From: dienbinh**@gmail.com
Xin lỗi đã làm phiền anh, anh Cường. từ trước giờ mình học đồ họa chủ yếu là tự học qua internet và chỉ sử dung bang laptop cá nhân hôm trước có dung pc ở nhà xem lại các tác phẩm của mình thì phát hiện một việc là, chế độ hiển thị màu của các tác phẩm xem từ 2 máy khác nhau nó khác nhau nhiều lắm.
VD: màu hồng trên laptop qua pc xem thì thành màu tím xen, màu xanh biển từ laptop qua pc thành màu xanh tím.
Mong anh Cường có thể cho mình hỏi có cách nào giảm độ lệch màu đến mức thấp nhất không ạ, xin cảm ơn anh.
Còn ai khác gặp vấn đề này không nhỉ!
Không nói đâu xa, bản thân mình cũng là nạn nhân của sự sai lệch màu này.
Thiết kế hiển thị trên máy mình thì đẹp chuẩn không tưởng, khổ nỗi máy tính của khách hàng hiển thị sai màu sắc tè le. Khách buồn alo chê thiết kế thậm tệ, mình hoang mang không biết thế nào. Có khi cầm sản phẩm in trên tay mà mà giật mình tự hỏi sao màu chả giống với cái mình tưởng tượng.
- Do nhà in ?
- Do máy tính hiển thị sai màu ?
- Hay mình không biết cách xử lý ?
Các vấn đề về màu sắc hiển thị trên màn hình là thắc mắc chung của nhiều bạn tự học đồ họa cũng như học trường lớp chính qui. Trừ các bạn học khoa chế bản in ấn và đồ họa ứng dụng thì cực kì nắm vững màu sắc trong in ấn.
Ở đây chúng ta sẽ không nói về chuyện màu sắc đẹp xấu. Mục đích cuối cùng là làm sao để hạn chế tối đa sự sai lệch màu sắc hiển thị trên các màn hình khác nhau, và giữa màu màn hình với màu sản phẩm thực tế.
Màu hiển thị sai giữa các màn hình khác nhau
Nguyên nhân:
Nói cách khác thì đây là giữa màn hình máy tính của bạn với màn hình máy tính khách hàng của bạn. Trường hợp này thì thường các bạn làm việc với hệ màu điện tử RGB, Việc này chỉ có 2 nguyên nhân, hoặc màn hình máy bạn hiển thị sai nhiều hoặc máy khách hiển thị sai.
Giải pháp chỉnh màu màn hình
Việc hiển thị sai màu giữa các màn hình là chuyện quá bình thường. Tùy theo hãng mà việc độ rực độ tươi của màu khác nhau, vì vậy nên bạn hãy quên cái việc chỉnh cho màu sắc các màn hình giống nhau đi.
Mình đưa ra một giải pháp khá nhiều người áp dụng là căn màu màn hình so với thanh colorchart (hình dưới). Tùy theo mỗi người mà có một bảng colorchart riêng cho mình.
Nếu như không co ColorChart tiệm in màu bạn thường sử dụng để in ra một dải màu sau đó đem so với màn hình và bắt đầu chỉnh. Quá đơn giản phải không ?? Nhưng cái này cũng không dễ vì có nhà in thì in ra sản phẩm nhạt và đậm khác nhau nữa cơ. Nên là nhưng việc này chỉ luôn ở mức tương đối.
Một trường hợp khác là màu sắc màn hình của bạn thì ok nhưng trên máy khách hàng thì hiển thị sai. Bạn sẽ giải thích với khách hàng hay chỉnh màu màn hình máy của khách ? Thường thì mình sẽ nói khách hàng thử mang qua 1 máy tính khác xem có khác biệt nhiều không. Từ đó sẽ dễ giải thích với khách hơn.
Tuy nhiên, việc căn chỉnh màu sắc này chỉ mang ý nghĩa tương đối thôi. Muốn triệt để thì phải chờ đến lúc có công nghệ màn hình và công nghệ in ấn có chuẩn “y như thật” áp dụng cho cả thế giới thôi.
Màu hiển thị sai từ màn hình so với màu sản phẩm in thực tế
Nguyên nhân
Có vô vàn nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Lỗi designer làm sai hệ màu RGB – CMYK, màn hình hiển thị lệch màu lệch tông, thợ in của bên nhà in không tốt, chất lượng mực in, máy móc … tất cả đều có thể làm cho sản phẩm của bạn sai màu so với mong muốn.
Sơ ý in hàng loạt sản phẩm sai màu thì đền hàng là cái chắc, vì sai màu thì làm sao sử dụng được. Đơn hàng nhẹ nhẹ vài triệu chứ vài chục đến vài trăm triệu đồng thì ngồi cười hoài luôn.
Tuy nhiên giải pháp có mấy chục nghìn đồng thôi.
Dùng ColorChart + in proof
Bạn có nghĩ rằng tại màn hình hiển thị ? Dù màn hình có xịn có thật cỡ nào đi nữa thì khi in ra chắc chắn sẽ có sai lệch thực tế. Giải pháp sử dụng màu sắc từ ColorChart cũng gần như giải quyết được.
Tuy nhiên, để khắc phục triệt để thì chỉ có 1 giải pháp duy nhất và dễ nhất đó là in proof.
In proof là “in thử” kỹ thuật số giả lập offset. Vì in offset nhiều công đoạn, và in 1 lần là phải in số lượng khá tốn kém nên chẳng ai in thử bằng Offset cả.
Khi ra thành phẩm khách hài lòng thì mang in thử (in proof) sau đó cho “khách hàng” của bạn xem trực tiêp bản màu này và ký duyệt mẫu. Sau đó cho in hàng loạt tại xưởng in offset là giải pháp tốt nhất.
Nếu nhà in làm sai màu so với bản proof thì nhà in sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm, designer sẽ không phải lo lắng về việc sai màu nữa.
Kết luận
In ấn đúng màu sắc là kết quả của cả một quá trình sai lầm mới có được.
Các kiến thức ở bài viết này phần nào giúp bạn tránh được những lỗi cơ bản nhất để tránh sai màu. Tuy nhiên hệ màu và các kỹ thuật in ấn còn nhiều điều thú vị, đón chờ ở các bài viết tiếp nhé.
Ham học hỏi, học 1 hiểu 10 chỉ tội hơi nổ. Qua chặng đường 4 năm (2012-2016) với ngành đồ họa, blog Tôi học đồ họa này là nơi mình chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về đồ họa.
[ học photoshop ] – [ Facebook ]– [ Liên hệ ]