Warning: bài viết có một số hướng dẫn đi ngược với kiến thức trường lớp, kinh nghiệm thiết kế hàng chợ chỉ áp dụng trong trường hợp bất khả kháng với các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thuyết phục khách hàng.
Lúc chưa có kinh nghiệm mình xin vào một công ty quản cáo tại quận 3 và làm ở đây được hơn 6 tháng. Lúc này phát giác ra một điều là là thầy cô hổng có dạy “thiết kế hàng chợ“. Nhiều vụ án shock quá nên nhớ đến bây giờ luôn, hy vọng qua bài viết thì anh chị em mới vào nghề mai mốt đỡ shock.
Tại sao phải cần kinh nghiệm thiết kế hàng chợ?
Lúc này từ ‘thiết kế hàng chợ’ bắt đầu xuất hiện. Ở một số đơn hàng, sẽ có chú thích miệng “hàng chợ, nhanh nha”. Thì lúc đó mình nghĩ làm nhanh sẽ là hàng chợ, như vậy cũng đúng. Đúng hơn thì hàng chợ là hàng phục vụ cho đối tượng khách hàng bình dân. Sở dĩ phải gọi là hàng chợ vì những thiết kế này thường miễn phí hoặc có thì cũng rất rẻ. Nên phải thiết kế là chớp nhoáng, như hoàn thành cái băng rôn trương, 2 mẫu name card, 1 mẫu leaflets, brochure, menu để bàn …. hoặc là 1 tá việc chỉ trong 1 giờ đồng hồ. (dễ street lắm nha)
Khách hàng bá đạo
Thời gian mới làm, khách chửi và trả hàng bắt làm lại liên miên. Phần vì làm quá xấu (nhận định của khách), phần vì kém kinh nghiệm xử lý. Nay bị bà bán phở chửi làm bé quá không thấy, mai bị anh bánh mì trả lại ci bảng vì sai chính tả. Có lúc sôi máu muốn chửi lại luôn nhưng không…
Đây là một số câu nói bất hủ mình thường gặp nhất 😀
“Cứ làm đi, em thấy đẹp là ok. Chị sao cũng được!”
Trời ơi nghe sướng tê tê luôn, chắc họ tin tưởng vào khả năng của mình và được làm những thứ mình thích. Và 99 phần trăm là rắc rối sẽ đến cùng những người khách này. Họ là những người chẳng có yêu cầu gì hết, đồng nghĩa với việc bạn sẽ chẳng đáp ứng được gì hết.
Trời ơi, chỗ trống còn quá trời như vầy mà coi được à. Phải là như vầy vầy nè, chỗ này to ra, chỗ kia nhỏ lại … rồi em xem thêm cái gì đó nữa chứ. Học thiết kế ở đâu ra làm thấy gớm quá.
Đúng là nhục như con cá nục luôn, phải xóa đi thiết kế lại đền hàng in. Cuối cùng nhờ đại ka có kinh nghiệm trong công ty làm, xem và học hỏi cách làm. Sao mà dơn giản thế …
“Làm cho nó lạ lạ, cho nó nổi bật lên cho anh”
Yêu cầu này nghe có vẻ hợp lý, tuy nhiên hãy đừng bắt tay vào làm ngay. Hầu hết khách hàng đều có một đối thủ, một biểu tượng của cái đẹp. Hãy mạnh dạn đặt câu hỏi!
“Anh đọc cho em rõ ràng là abc mà, em làm cba là sai hết rồi”
Không có máy ghi âm, cũng chẳng có cái gì chứng minh ai sai ai đúng. Giờ sao, thôi thì đền chứ sao.
Vậy designer nên làm gì để họ hài lòng ?
Mình bị chửi đến mòn mặt ra nên cũng rút được ít kinh nghiệm. Thực ra thiết kế hàng chợ không có gì khó cả, tất cả là vì mình không bắt trúng đài của họ nên làm trật lất hết. Sau đó thì mình tự tạo ra một vài nguyên tắc để làm việc thuận lợi hơn. Chia sẻ hy vọng bạn có thể tham khảo:
1. Lấy thông tin thiết kế chính xác:
– Anh/chị thấy như cái nào là đẹp? Để hiểu được cái đẹp của họ, đừng làm theo cái đẹp của mình.
– Anh/chị thích làm màu gì? Mỗi người thích một màu, đừng làm theo màu mình thích.
– Anh/chị ghi giúp em thông tin và ký nhận? Rất nhiều khách sai chính tả, nói ngọng, nói khó nghe. Hãy lấy chính xác thông tin.
2. Thiết kế cái khách hàng muốn: to + nổi + đầy tràn
Font chữ To, dễ đọc, hợp lý:
Font Copper: khách hàng thích dễ nhìn, nhẹ nhàng mà phải to rõ ràng.
Font Helvetical: khách hàng hiện đại, nghiêm túc.
Font Impact: khách thích mạnh mẽ đậm đà
Font Thư pháp: khách hàng thích màu mè uốn lượn
Font có chân: thường ít dùng, vì gây cảm giác lúa, rối rắm chỉ phù hợp với văn bản giấy hoặc một số ấn phẩm in đặc biệt.
Khi đi học typography, các bạn sẽ được dạy là tuyệt đối không kéo dãn font chữ. Nhưng điều này khó mà thực hiện, vì sẽ có lúc bạn nhận được một bảng hiệu kích thước ngang 80cm (ngang) x 320cm (dọc), yêu cầu ghi 6 chữ… bắt buộc bạn phải tìm 1 font chữ cao hoặc bóp bề ngang chữ. Bất khả kháng hãy co dãn font chữ ngang, hoặc dọc – cố gắng để vẫn có thể không gây khó đọc.
Màu sắc nổi bật:
Đừng nói với khách là màu này sang trọng, màu kia nhìn mới sang. Thầy bạn có thể cho nó là đẹp nhưng khách hàng đã không thích thì đừng ráng. Cứ chọn các màu nổi, độ tương phản cao để kích thích thị giác. Khách hàng dạng này thường thích màu đỏ, vàng, xanh lá.
Đầy – hạn chế khoảng trống:
Họ là những người muốn tiết kiệm, luôn muốn in to tràn diện tích cho “đỡ tiếc”. Nếu có thể áp dụng các quy luật bố cục, khoảng trống điểm nghỉ mắt . . . được thì tốt. Còn không thì hãy cứ ưu tiên khách hàng, làm đầy tràn bố cục.
Lời kết
Đơn giản vậy đó hehe. Giờ mà gặp mấy người khách như vậy là mình giải quyết cái rẹt trong 30 giây. Tuy nhiên, tốt hơn thì bạn nên tham khảo kinh nghiệm người những đi trước, chăm đọc sách về kỹ năng chăm sóc khách hàng, body language. Tùy cơ ứng biến, đừng có rặp khuôn rồi nói do đọc ở Blog Tôi Học Đồ Họa là mình không có chịu đâu nha.
P/s: Nhiều bạn mắng mình là tham tiền, làm xấu mỹ quan, nói là cần phải thay đổi mỹ quan của khách hàng để cải thiện chất lượng mỹ quan cuộc sống và mỹ quan của khách hàng. Mình không phản đối, tuy nhiên đây là thiết kế cho khách hàng bình dân – mỹ quan của hình thành từ lúc đẻ ra đến lớn là cũng mấy chục năm, nếu mà uốn thay đổi thì cần có thời gian và công sức đầu tư cho dự án. Nếu mà bạn nào có điều kiện yêu nghề thì mình hoàn toàn tán dương nhiệt thành.
Chúc bạn một năm mới vui vẻ, mạnh khỏe và hạnh phúc!
Ham học hỏi, học 1 hiểu 10 chỉ tội hơi nổ. Qua chặng đường 4 năm (2012-2016) với ngành đồ họa, blog Tôi học đồ họa này là nơi mình chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về đồ họa.
[ học photoshop ] – [ Facebook ]– [ Liên hệ ]