Đây là bài viết tổng hợp nhiều kiến thức chắt lọc từ các tài liệu để giải quyết một số rắc rối về màu sắc trong lĩnh vực đồ họa máy tính. Mình sẽ trình bày lại với nhiều hình ảnh minh họa giúp các bạn dễ tiếp thu hơn.
Các nội dung chính của bài gồm
- Tìm hiểu cơ bản về Màu sắc
- Giải thích các hệ màu, sự khác nhau của màu RGB và CMYK
- Cách chuyển màu từ RGB sang CMYK tối ưu nhất
- Color Profile/ICC Profile và Pixel Aspect Ratio trong PS là gì?
- Nguyên nhân dẫn đến việc sai màu khi up ảnh lên mạng và cách giải quyết
- Cùng là RGB nhưng tại sai lại có Adobe RGB và sRGB
- Cách chỉnh màu chuẩn trong Photoshop và giải thích về bảng Color setting
- Cách save ảnh kèm theo thông số Profile
Trong quá trình thiết kế, đôi khi chúng ta bị nhầm lẫn giữa 2 hệ màu CMYK và RGB, sự nhầm lẫn đó gây nên tình trạng sai màu trong thiết kế và bị lệch màu khi in. Đối với những bạn mới bước chân vào con đường thiết kế thì có lẽ khó phân biệt được 2 hệ màu này. Các bạn gặp rất nhiều khó khăn như không biết dùng màu nào để thiết kế, không biết cách chuyển đổi màu sao cho tối ưu nhất. Đầu tiên chúng ta sẽ đi từ cơ bản màu sắc là gì.
1. Màu sắc là gì ?
Màu sắc là ánh sáng. Đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím chỉ là những cái tên con người đặt ra để phân biệt cảm nhận của mình về mức phản xạ (hay hấp thụ) ánh sáng của bề mặt vật thể.
Mọi vật sẽ không có màu nếu không có ánh sáng.
Người ta chia làm 2 loại màu sắc:
- Màu sắc từ vật phát ra ánh sáng: mặt trời, bóng đèn, tivi, màn hình, …vv.
- Màu sắc từ vật không phát ra ánh sáng: bàn, ghế, da người, cây cối, …vv.
*Phần mô tả phía dưới có một số chỗ mình dùng từ màu sắc thay từ dải quang phổ để đơn giản hóa cho dễ hiểu. Không nghiên cứu chuyên sâu thì cũng không quan trọng lắm, nhưng vẫn cần lưu ý nhé.
Màu trắng
- Màu Trắng là màu sáng nhất, có thể hiểu màu trắng là màu của ánh sáng mặt trời.
- Các chất liệu phản chiếu hoàn toàn các bước sóng của ánh sáng sẽ cho mắt cảm nhận màu trắng.
Đỏ – cam – vàng – lục – lam – chàm – tím
- Mỗi chất liệu có một mức hấp thụ ánh sáng khác nhau nên sẽ cho mắt cảm nhật được các màu sắc khác nhau.
- Mực in là một chất phủ con người sáng chế ra và kiểm soát được mức độ hấp thụ. Tương tự như vậy với sơn, màu vẽ.
Màu đen
- Ban đêm sẽ không nhìn thấy màu gì sẽ là màu đen.
- Vật không phản xạ (hấp thụ hoàn toàn) lại ánh sáng thì sẽ có màu đen. Giải thích cho việc mặc áo đen đi nắng sẽ nhanh nóng hơn vì màu đen hấp thụ hoàn toàn ánh sáng.
- Trên thực tế rất hiếm thứ nào hấp thụ được tất cả ánh sáng để có màu đen tinh khiết.
2. Màu RGB là gì ?
Chắc là bạn rất quen với thuật ngữ RGB khi học hay làm việc ngành đồ họa. Vậy bạn có biết RGB là gì và tại sao lại phải dùng RGB không ?
RGB là hệ màu cộng, là viết tắt của 3 màu cơ bản gồm:
R | Red ( Đỏ ) |
G | Green ( Xanh lá ) |
B | Blue ( Xanh dương ) |
R = 0, G = 0, B = 0 : là màu gốc – màu đen (chính là lúc chưa bật màn hình, nguồn điện)
R = 255, G = 255, B = 255 : là màu cực đại – màu trắng
Từ 3 màu cơ bản này, bằng cách thay đổi tỉ lệ các màu RGB người ta có thể tạo ra vố số màu khác nhau ( gọi là tổng hợp màu cộng vì các màu sinh ra từ 3 màu RGB sẽ sáng hơn màu gốc – additive color )
RGB chỉ có thể thực hiện trên các vật có khả năng phát sáng như màn hình tivi, máy tính …vv.
3. Màu CMYK là gì ?
CMYK là hệ màu trừ, được sử dụng cho những vật không có khả năng phát sáng. Đây là hệ màu chuyên dùng để in ấn.
C | Cyan nghĩa là màu xanh lơ |
M | Magenta gọi là màu đỏ – tím ( theo hệ màu Munsell ) hay còn gọi là màu Đỏ ( Tím ) Fuchsine. Nhiều người thì lại gọi là hồng thẫm hay đỏ thẫm |
Y | Yellow nghĩa là màu vàng |
K | Key ( chúng ta nên hiểu theo nghĩa cái gì đó them chốt hay chủ yếu để ám chỉ màu đen nhưng người ta không dùng chữ B tức Black vì chữ B đã được dùng để ám chỉ màu xanh dương Blue ) |
Tại sao lại là CMY mà không phải là màu khác?
Đây là một câu hỏi rất hay. Tại sao lại là CMY mà không phải là màu khác? Vì mỗi màu trong bộ 3 CMY có khả năng hấp thụ hoàn toàn 1/3 quang phổ và phản xạ 2/3 phần còn lại. Màu Cyan hấp thụ hoàn toàn màu Red, màu Magenta hấp thụ hoàn toàn màu Green và màu Yellow hấp thụ hoàn toàn màu Blur của ánh sáng.
Vậy màu K ( Black ) để làm gì ?
Lý thuyết nói, với 3 màu CMY bạn sẽ tạo ra được màu đen nhưng lý thuyết thì cũng chỉ là lý thuyết. Trên thực tế không có màu in nào lý tưởng như đã nói cả, các màu đều không hấp thụ hoàn toàn 1/3 quang phổ do đó khi in chồng 3 màu bạn sẽ không có được màu đen tuyệt đối. Vì thế màu đen được thêm vào nhằm tăng độ tương phản của hình ảnh cũng như giảm bớt lượng mực CMY sử dụng giúp giảm giá thành in ấn.
4. Sự khác biệt giữa RGB và CMYK
Để hiểu được bản chất khác biệt của 2 màu này Hưng sẽ sử dụng biểu đồ “đường mũi ngựa” để giải thích
Đường mũi ngựa là quang phổ thấy được ( Visible spectrum ), đường bao vàng là sắc độ RGB rộng ( Wide Gamut RGB ), đường màu trắng chính là màu RGB mà chúng ta hay sử dụng trong Photoshop đó các bạn ( Adobe RGB 1998 ), còn đường màu đen đó chính là màu hiển thị trên các trình duyệt ( sRGB ), đường màu xanh lam là dãy màu tái tạo của CMYK theo tiêu chuẩn ( V2 Nhật Bản )
Những hệ màu khác chúng ta sẽ nói sau ở đây chúng ta chỉ cần quan tâm đến Adobe RGB ( 1998 ) và CMYK mà thôi.
Nhìn vào biểu đồ các bạn có thể thấy màu Adobe RGB ( 1998 ) có không gian giới hạn màu lớn hơn so với màu CMYK và đặc biệt không gian này bị chênh lệch nhiều nhất ở vùng màu xanh lá. Chính vì thế khi chuyển màu từ RGB sang CMYK những màu nào nằm ngoài giới hạn của màu CMYK khi chuyển sang CMYK sẽ bị sai. Điều này thấy rất rõ ở màu xanh vì độ lệch màu ở vùng này là lớn nhất.
5. Cách chuyển hệ màu RGB sang CMYK tối ưu
Trong ngành in có hay có câu nói đùa rằng:
Bạn hãy yên tâm, sản phẩm sau khi in sẽ giống bản thiết kế ngoại trừ màu sắc
Việc sai màu và lệch màu là điều không thể tránh khỏi trong quá trình thiết kế và in ấn vậy làm sao để giảm thiểu tối đa sự sai lệch này?
Chúng ta thường làm việc với màu RGB vì hệ màu này có rất nhiều ưu điểm khi thể hiện màu sắc trên màn hình ngoài ra những hình ảnh chúng ta lấy từ trên mạng sử dụng hệ sRGB. Nhưng ác nghiệt thay khi in ấn họ lại dùng hệ màu CMYK, cách giải quyết mà các bạn hay làm đó là Convert màu từ RGB sang CMYK bằng chức năng Image > Mode > CMYK color nếu màu có sai xót thì ta chỉnh sửa lại bằng các tính năng của Photoshop. Dưới đây là ví dụ minh họa về hình ảnh được Convert bằng cách trên.
Do hình bên trên chuyển bằng Image > Mode > CMYK nên photoshop sẽ tự động thiết lập Profile mặc định của hệ màu CMYK chính vì vậy mà màu nhìn rất xấu.
Tại sao không làm việc trực tiếp với màu CMYK trong PTS?
Trả lời: Với hệ màu CMYK thì ở PTS 1 số bộ lọc Filter không sử dụng được và các chức năng như Cuver hay Level đều cho kết quả ngược lại đối với hệ màu RGB nên rất khó khăn trong việc xử lí màu, ngoài ra nguồn nguyên liệu chúng ta sử dụng hầu hết đều là RGB chính vì thế dù muốn hay không chúng ta cũng phải Convert
Bây giờ Hưng sẽ giới thiệu cho các bạn thêm 2 cách để chuyển màu từ RGB sang CMYK một cách tối ưu. Tất nhiên việc chuyển màu hoàn hảo là điều không tưởng mà chúng ta chỉ có thể giảm thiểu tối đa “thiệt hại”
Bước 1: Mở file RGB mà các bạn muốn chuyển màu
Bước 2: Chọn Edit > Convert to Pofile ( ở phiên bản PS cũ các bạn vào Image > Mode > Convert to Profile là sẽ thấy )
Bước 3: Một hộp thoại hiện ra, trong phần Profile các bạn chọn Custom CMYK
Bước 4: Khi chọn Custom CMYK một cửa sổ mới sẽ xuất hiện
Ink Colors các bạn chọn: Toyo Inks ( Coated Web Offset )
Dot Gain: Standard 30%
Black Ink Limit: 50%
Chú ý: Phần Dot Gain và Black Ink Limit là thông số thường dùng tuy nhiên nó còn tùy thuộc vào bức ảnh gốc, vì vậy bạn có thể thay đổi 2 thông số này sao cho vừa mắt.
Và đây là kết quả sau khi chỉnh Profile của CMYK
Màu CMYK (Profile) nhìn đã tốt hơn nó không còn sậm như CMYK ban đầu nữa. Bước tiếp theo các bạn có thể chỉnh sửa bằng các tính năng của PS. Đây chỉ là 1 ví dụ nhỏ các bạn sẽ dễ thấy sự khác biệt nhiều hơn trong quá trình thiết kế
Ngoài ra còn 1 cách khác đó là các bạn down 1 số file .ICC đã được thiết lập sẵn sau đó copy vào C:\WINDOWS\system32\spool\drivers\color những tiệm in ấn lớn họ sẽ có những ICC để chuyển màu bạn có thể xin họ
Bạn nào thích có thể down 1 số icc Hưng có gồm:
+OffsetEuro U360 K85 V25PO4 ( 1.3mb )
+OffsetEuro U385 K85 V25PO4 ( 1.3mb )
6. Color Profile, ICC Profile và Pixel Aspect Ratio trong PTS
Là một người tinh ý chắc chắn bạn đã từng đặt cho mình câu hỏi Color Profile và Pixel Aspect Ratio có chức năng gì và nó quan trọng hay không? Hay ít nhất bạn đang tự thắc mắc cái ICC mà Hưng gửi cho các bạn download nó là gì ?
Thằng Color Profile hay ICC profile Hưng sẽ nói sau vì cái này còn dính đến nhiều thứ lắm. Tạm thời chúng ta sẽ tìm hiểu về Pixel Aspect Ratio
Pixel Aspect Ratio ( thường gọi tắt là PAR ) đây là một tỉ lệ toán học mô ta chiều rộng của một điểm ảnh so với chiều cao của điểm ảnh đó trong một hình ảnh kỹ thuật số.
Hầu hết các hệ thống hình ảnh kỹ thuật số mô tả hình ảnh như 1 mạng lưới các điểm ảnh rất nhỏ, trong Photoshop chúng ta thường để Square Pixels ( tỷ lệ 1:1 ) chiều ngang của điểm ảnh bằng chiều cao của nó.
Tuy nhiên cũng có trường hợp đặc biệt, một số hệ thống hình ảnh, đặc biệt là hệ thống gồm nhiều ảnh liên tiếp nhau xác định hình ảnh như một mạng lưới các điểm ảnh hình chữ nhật trong đó chiều rộng khác chiều cao của nó. Pixel Aspect Rtio mô tả sự khác biệt này.
Thuật ngữ Aspect Ratio chủ yếu liên quan đến các hình ảnh trong truyền hình và một số trường hợp đặc biệt khác vd như:
- D1/DV NTSC (0.91);
- D1/DV NTSC Widescreen (1.21);
- D1/DV PAL (1.09)
- D1/DV PAL Widescreen (1.46)
- Anamorphic 2:1 (2.0)
- HDV 1080/DVCPRO HD 720, HD Anamorphic 1080 (1.33);
- DVCPRO HD 1080 (1.5)
Tóm lại Pixel Aspect Rtio là tỉ lệ giữa chiều rộng và chiều cao của 1 điểm ảnh
7. ICC là gì
ICC là viết tắt của International Color Consortium tức là “Liên minh màu quốc tế” tổ chức này định ra các tiêu chuẩn màu sắc giúp cho các phần mềm và thiết bị có thể hiểu được nhau
Cái này mình nói sơ qua để các bạn hiểu tại sao lại có cái chữ ICC. Bạn nào quan tâm thì có thể xem tại trang http://www.color.org.
8. Nguyên nhân gây sai màu khi up ảnh lên mạng
Chắc hẳn các bạn đã từng gặp phải trường hợp khi up ảnh lên mạng thì màu sắc của bức ảnh không còn giống như trong máy tính. Vậy điều gì đã xảy ra ?
Vấn đề chính là chúng ta sử dụng Internet và chia sẻ ảnh bất cứ lúc nào, những bức ảnh của các bạn không được thiết lập trước. Chính vì thế việc sai màu thường xuyên gặp phải, mọi người hầu như không biết nguyên nhân và cách khắc phục như thế nào. Nhưng thực ra vấn đề này rất đơn giản.
Câu trả lời ngắn gọn cho vấn đề này là do hệ thống Color Profile của máy tính
Khi làm việc với chương trình chỉnh sửa ảnh như Photoshop bức ảnh của bạn sẽ được “nhúng” vào 1 môi trường với thuộc tính Color Profile, trong PS ảnh của bạn thường mang Profile Adobe RGB hoặc CMYK, thông số này không trùng khớp với Color Profile của trình duyệt đang sử dụng ( tức sRGB ).Các trình duyệt sẽ “ép buộc” bức ảnh của bạn sử dụng Color Profile sRGB riêng biệt.
Chính điều này gây nên sự sai màu, nói thì đơn giản nhưng Color Profile là cái gì ?
9. Color Profile, ICC Profile
Color Profile hay còn gọi là ICC Profile hiểu nôm na là những thông tin được “nhúng” trong các file ảnh để chuyển phần dữ liệu trong đó thành màu sắc hiển thị trên màn hình. Những thông tin này chứa một không gian màu nhất định.
Nếu giải thích theo cách đơn giản, Color Profile đảm nhận nhiệm vụ xử lý màu sắc có thể hiển thị trong một khoảng nào đó, và các khoảng đó được gọi là không gian màu.
Nhìn vào hình mũi ngựa, phần sRGB được sử dụng bởi các trình duyệt đây cũng là phần không gian màu nhỏ nhất. Và bất cứ file nào được tạo bởi Color Profile Adobe RGB hay CMYK sẽ tự động chuyển thành Profile sRGB.
Vậy chúng ta phải làm gì để giải quyết vấn đề này ? Câu trả lời sẽ được giải đáp ở phần 10
10/ Cách thay đổi Color profile của bức ảnh
Để thay đổi Color profile trong photoshop rất đơn giản, các bạn vào Edit > Convert to Profile ( đối với phiên bản cũ là Image > Mode > Convert toProfile ) với chức năng giữ nguyên màu sắc nhưng thay đổi hệ thống color profile. Thiết lập như hình dưới
Các bạn nhấn ok và bức ảnh của chúng ta đã sẵn sàng
11/ RGB và sRGB
Adobe RGB 1998 và sRGB IEC61966 ( gọi tắt là sRGB ), là hai không gian màu thông dụng trong nhiếp ảnh số. Nó có những đặc điểm công dụng khác nhau, tùy vào nhu cầu công việc mà lựa chọn để đạt mục đích cao nhất.
- sRGB là không gian màu RGB được 2 hãng HP và Microsoft đưa ra nhằm tạo ngưỡng giới hạn màu dùng cho các thiết bị hình ảnh. Và bởi vì nó được giới thiệu như một kiểu “ước lượng tốt nhất” đáp ứng nhu cầu hết các màn hình hiển thị, nên được xem như không gian màu tiêu chuẩn dùng hiển thị hình ảnh trên Internet. Giới hạn sắc độ của sRGB chỉ đạt khoảng 35% không gian màu thấy được theo tiêu chuẩn CIE. Dù khá hẹp nhưng cho đến giờ nó vẫn được sử dụng rất phổ biến và hữu hiệu.
- Adobe RGB 1998 được thiết kế bởi Adobe System Inc. Nó phủ trùm hầu hết các màu trên không gian CMYK mặc dù nó vẫn là không gian RGB trên màn hình máy tính. Nó mở rộng ra đến khoảng 50% phổ màu thấy được, và mở rộng về phía sắc lục, lục – lam so với không gian màu sRGB
12/ Các thông số màu chuẩn của Color setting trong Photoshop
Đầu tiên các bạn mở Photoshop vào Edit > Color setting ( Shift + Ctrl + K ) nếu bảng color setting của bạn bị thu gọn thì các bạn click vào More Options nó sẽ chuyển thành Fewer Option và hiện đầy đủ như bảng bên dưới
Cái bảng này nhìn rất rắc rối và cũng chả có thằng nào dại dột đụng vào bảng này khi không biết gì cả. Còn nếu đã nắm được nó thì bạn cứ tha hồ mà phá
Giải thích:
- Settings: Nói toẹt ra thì nó là tên của các file mà bạn đã thiết lập color setting sau đó save lại. Bạn có thể down những color setting của người khác lúc này nó sẽ mang tên file mà bạn đã chọn.
- Working Spaces: Cái này rất quan trọng, nó là môi trường làm việc của PS hay có thể hiểu đây là không gian màu mà PS sẽ dùng làm việc
- RGB: dùng để chọn không gian màu làm việc cho hệ RGB. Một số profile thường thấy gồm Adobe RGB, Apple RGB, sRGB… Trong đó sRGB là nhỏ nhất thích hợp tất cả các màn hình vì vậy mà người ta dùng nó làm profile cho web graphics. Apple RGB là profile dành cho màn hình Mac. Adobe RGB là 1 không gian lớn nó có thể bao gồm các không gian khác do đó ta sẽ chọn cái này. Sau này nếu muốn chuyển sang profile khác thì ta có thể convert dễ dàng.
- CMYK: dùng để chọn không gian làm việc hệ màu CMYK. Phần này dành cho những người thường đụng đến in ấn. Ở đây Hưng để tạm Toyo Inks vì sau này cũng sẽ conver lại theo ý mình.
- Gray và Spot: các bạn để mặc định 20%
- Color Management Policies: Cái này dùng để quản lý Color Profile của 1 bức ảnh khi mở bằng PS
Một bức ảnh có thể nó không chứa thông tin về profile của nó, bức ảnh đó có thể là sRGB có thể là Adobe RGB, có thể là CMYK profile hoặc cũng có thể là 1 profile giời ơi đất hỡi nào đó, ai đó nghịch ngợm chặng hạn. Chức năng này sẽ giúp bạn quyết định nên làm gì khi mở những bức ảnh đó.- RGB: Chúng ta nên chọn Convert to Working RGB để nó chuyển về không gian màu của Photoshop, nếu bạn làm đúng thì Working RGB của bạn đang là Adobe RGB. Như đã nói đây là không gian lớn nên nó bao quát gần như các không gian khác.
- CMYK: nếu 1 bức ảnh có CMYK Profile đi kèm, thì thông thường người tạo ra nó biết anh ta đang làm gì với nó. Vì vậy nó thế nào thì cứ giữ nguyên thế ấy, tức là để Preserve Embedded Profile
- Gray: thằng này không quan tâm, để Off
- Profile Mismatches: Cái này hiểu là khi mở 1 bức ảnh nếu profile của nó không trùng với Working Space thì ta sẽ làm gì?
- Check Ask when Opening để chọn Working Space của ta hoặc chọn của bức ảnh tùy mục đích.
- Uncheck Ask when Pasting vì khi paste tất nhiên phải dùng cái Working space mà ta đang làm việc
- Missing Profiles: Ở đây hiểu là nếu bức ảnh không có Profile thì ta làm gì. Trong trường hợp này ta Uncheck Ask when Opening nghĩa là ta sẽ dùng setting đã thiết lập ở bên trên: nếu nó là ảnh RGB thì nó sẽ được convert sang Working RGB, còn nếu ảnh đó là CMYK thì sẽ giữ nguyên.
- Engine: giữ nguyên là Adobe ( ACE )
- Intent: Cái này Adobe để mặc định là Relative Colorimetric giúp đồng nhất giữa Illustrator và InDesign. Bạn nào không làm việc với 2 chương trình đó thì để Perceptual đây là Option dành cho ảnh Pixel
Cuối cùng là save lại để sau này có đứa nào táy máy nghịch ngợm thì ta load lại. Hoặc khi dùng máy khác bạn có thể load cái setting này mà dùng.
13/ Save ảnh kèm theo Profile
Khi save ảnh chúng ta nên lưu theo ảnh profile của nó để thuận tiện trong quá trình làm việc tránh sai xót màu sắc.
Chúng ta vào File > Save as nhìn xuống dưới sẽ có 1 dấu tick nhỏ ở phần ICC profile, ở đây Hưng sử dụng Adobe RGB 1998. Các bạn tick vào dấu đó rồi save chọn mức nén 12 ( maximum) là ok
Như vậy là chúng ta đã hoàn thành xong bài lý thuyết. Hy vọng với bài viết và cách trình bày này các bạn sẽ phần nào hiểu sâu hơn về màu sắc và cách thiết lập màu trong PTS.
Bài viết tham khảo của Designer Hưng Trần Văn
Diễn đàn Vietdesigner.net
Kết luận
Bài viết này đã cô đọng khá nhiều kiến thức cơ bản về màu sắc, tuy nhiên đây mới chỉ là việc hiểu khái niệm về màu sắc và các hệ màu. Nếu như bạn là newbie thì nên đọc bài tự học Thiết kế đồ Họa nên bắt đầu từ đâu thì sẽ có nhiều điều thú vị hơn nữa.
Việc quan trọng không kém là cách ứng dụng màu sắc vào thiết kế thì mới là lúc kiếm tiền với đồ họa. Để làm ra sản phẩm lấy tiền khách hàng thì ngoài việc hiểu cơ bản về màu sắc, ta cần hiểu thêm về Nguyên Lý Thị Giác cũng như các cách phối màu tương phản, bổ trợ …. để màu sắc của thiết kế truyền tải đúng thông điệp của sản phẩm.
Tham khảo thêm bài Bí mật của màu sắc của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng. Bài viết cực kì chi tiết và tâm huyết, nên hơi dài ——– chắc là phải làm vài ly cà phê để từ từ nghiền ngẫm.
Ham học hỏi, học 1 hiểu 10 chỉ tội hơi nổ. Qua chặng đường 4 năm (2012-2016) với ngành đồ họa, blog Tôi học đồ họa này là nơi mình chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về đồ họa.
[ học photoshop ] – [ Facebook ]– [ Liên hệ ]